Ra mắt hai series mới cực hot Trí tuệ nhân tạo A đến ZPython công cụ không thể thiếu khi nghiên cứu Data science, Machine learning.

Javascript là gì?

Các website ngày nay là kết quả của quá trình nghiên cứu, phát triển không ngừng nghỉ, kể đến là 3 thành phần quan trọng, tạo lên thế "kiềng ba chân" trong lập trình web là HTML, Javascript và CSS. HTML là gì thì bạn cũng đã biết, nó là thành phần cơ bản nhất tạo nên nội dung trang web. Hẳn bạn sẽ thắc mắc còn Javascript là gì và CSS là gì mà nó cũng giữ những vai trò quan trọng trong phát triển các website đến vậy? Trong bài viết ngắn gọn này chúng ta sẽ cùng nhau trả lời Javascript là gì?

1. Javascript là gì, nó có liên quan đến ngôn ngữ Java không?

Các tầng code trong trang web

JavaScript là ngôn ngữ kịch bản cho phép chúng ta đưa những tính năng phức tạp vào trang web, nếu không có JavaScript một trang web cơ bản chỉ hiển thị các thông tin cố định mà không thể có các tương tác như tự động cập nhật nội dung tùy thuộc hành động người dùng, tương tác với các bản đồ số, các đồ họa 2D, 3D... JavaScript là ngôn ngữ diễn dịch, không cần thiết phải biên dịch trước khi sử dụng, nó có thể tạo ra các trang web tương tác và làm cho mọi thứ trở nên linh hoạt. Các trang HTML thuần túy có thể đảm nhận hiển thị các nội dung tĩnh không vấn đề gì với văn bản, hình ảnh, bảng biểu và ngay cả các video, đồ họa thông thường... Hiện nay, các trang web đã khác đi rất nhiều, chúng không còn là một nội dung tĩnh mà đã có rất nhiều các tương tác với các hiệu ứng như các hệ thống menu linh hoạt, các form mẫu đa dạng chỉ hiển thị khi cần thiết, các hình ảnh được đưa vào các thành phần trượt (slider) như chúng ta đang xem một thư viện ảnh mà không cần phải rời mắt đi chỗ khác,,, Javascript đã trở thành một ngôn ngữ không thể thiếu trong lập trình web, khởi xướng cho phong trào sử dụng Javascript có lẽ là sự xuất hiện của bộ thư viện jQuery, nó làm cho website trở nên hấp dẫn và tương tác không khác gì với các phần mềm ứng dụng mà chúng ta đã quen trong HĐH Windows. Tiếp đó, Yahoo cũng đã vận dụng Javascript tạo nên những trang web tuyệt vời, Google đã xây dựng các hệ thống của mình sử dụng Javascript như với Gmail, Youtube, Google search... và không thể không kể đến Facebook mạng xã hội nổi tiếng hiện nay có được lượng người dùng lớn do đã áp dụng Javascript để xây dựng hệ thống trở nên đơn giản dễ dàng với tất cả mọi người.

2. Lịch sử phát triển của Javascript

Trên đây chúng ta đã điểm qua vai trò của Javascript trong lập trình và phát triển các website cũng như các ứng dụng web hiện đại, có được sự thành công ngày hôm nay, Javascript cũng đã phải trải qua một quãng đường dài nghiên cứu và phát triển.

Javascript gắn liền với sự phát triển của các trình duyệt, trong lịch sử phát triển Internet, có lẽ việc sao đổi ngôi của các trình duyệt diễn ra như cơm bữa. Những năm đầu thập kỷ 90, trình duyệt web Netscape rất nổi tiếng, tuy nhiên sự xuất hiện của hệ điều hành Windows cùng với trình duyệt IE đã thay thế dần Netscape bởi số lượng người dùng Windows là rất lớn và IE được cài đặt sẵn trong hệ điều hành này. Những năm đầu thế kỷ 21, IE thống trị trong thế giới trình duyệt, tuy nhiên trình duyệt này cũng có rất nhiều vấn đề với các tính năng lập trình cơ bản, các phiên bản không hỗ trợ lẫn nhau... Khi đó cứu cánh Firefox ra đời với tốc độ duyệt web nhanh, hỗ trợ rất nhiều tính năng và hơn cả là một cộng đồng phát triển lớn. Hiện nay, tình thế cũng lại đổi thay rất nhiều khi Google đưa ra trình duyệt Chrome, có thể nói sự thành công của Chrome không phải là do một mình trình duyệt này mà đơn giản Chrome chỉ là một tế bào trong hệ sinh thái vô cùng phong phú với lượng người sử dụng cực kỳ lớn.

Sở dĩ chúng ta lan man chút về sự phát triển của trình duyệt bởi chính cái thủa hồng hoang ấy của Netscape, đội ngũ phát triển của Netscape đã thấy sự cần thiết của một ngôn ngữ hỗ trợ thêm cho HTML và Javascript ra đời năm 1995 tại Netscape Communications. Họ nhận ra rằng cần thiết có một ngôn ngữ Javascript để là chất kết dính cho phép nâng cao trải nghiệm người dùng, Javascript được được phát triển từ việc mua lại ngôn ngữ Scheme Programming từ Brendan Eich. Thời điểm đó, Java là một ngôn ngữ nổi tiếng và đội ngũ của Netscape đã quyết định xây dựng Javascript với cú pháp gần với Java. Javascript có thể nói là kết quả của sự kết hợp giữa tính năng của Scheme Programming, tính hướng đối tượng của SmallTalk và cú pháp của Java. Phiên bản đầu tiên của ngôn ngữ này được lấy tên là Mocha vào tháng 5 năm 1995, sau đó đến tháng 9 năm 1995 được đổi tên thành LiveScript và cuối cùng là tháng 12 năm 1995, Netscape chính thức đổi tên thành Javascript và được sử dụng đến bây giờ. Có lẽ cái tên Javascript đã mượn được ánh hào quang của ngôn ngữ Java, làm lập trình viên trên toàn thế giới phải để mắt.

Hiện nay, trong giới lập trình viên, Javascript đã được chuyển sang cái tên khác là ECMAScript với nhiều các phiên bản phổ biến như ES6 (ECMAScript 2015), ES7 (ECMAScript 2016)... Tại sao chuyển sang tên gọi mới, ECMAScript là gì mà nó thay thế Javascript? ECMA International (European Computer Manufacturers Association) là một tổ chức quốc tế nhằm thống nhất các tiêu chuẩn cho ngành CNTT và viễn thông. Năm 1996, Javascript được gửi đến tổ chức này để xin hợp chuẩn, tháng 6 năm 1997, ECMA thông báo đặc tả chính thức đầu tiên của ngôn ngữ này trong tài liệu ECMA-262. HIện nay phiên bản ECMAScript mới nhất là ES8 - ECMAScript 2017 được phát hành tháng 6 năm 2017.

3. Javascript hoạt động như thế nào?

  • Khi trình duyệt tải một trang web, đầu tiên bộ phân tích cú pháp HTML sẽ thực hiện phân tích mã HTML và tạo ra các thành phần DOM (Tham khảo DOM là gì? để hiểu hơn về mô hình đối tượng tài liệu trong Javascript). Sau đó, bất cứ khi nào bộ phân tích CSS và Javacript engine nhận thấy mã CSS và Javascript thì mã này sẽ được cập nhật vào DOM. Javascript engine thực hiện tải các file Javascript ngoài được chèn vào hoặc các mã bên trong trang web nhưng nó sẽ chờ cho đến khi phân tích xong HTML và CSS nó mới thực thi. Mã Javascript được thực thi theo thứ tự xuất hiện trong trang web: các biến và hàm được định nghĩa đầu tiên, tiếp theo thực hiện các lời gọi hàm, tiếp theo nữa là các kích hoạt sự kiện... Các hoạt động này được cập nhật vào DOM và được render ngay lập tức ra trình duyệt.

Hoạt động của Javascript engine

Javascript là ngôn ngữ diễn dịch, kịch bản do vậy nó không cần phải biên dịch trước khi thực hiện mà được chạy thông qua các ứng dụng đặc biệt được gọi là Javascript engine. Các "bộ máy" Javascript là rất phức tạp nhưng về cơ bản nó thực hiện các chức năng như sau:

  • Các Javascript engine được tích hợp trong trình duyệt sẽ đọc và phân tích đoạn mã Javascript.
  • Bộ máy Javascript sẽ chuyển đổi (biên dịch) các đoạn mã này sang ngôn ngữ máy để máy tính có thể thực thi.
  • Cuối cùng, máy tính chạy các đoạn mã máy sau biên dịch và thực hiện các hành động hoặc hiển thị trên màn hình.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC

FirebirD

Đam mê Toán học, Lập trình. Sở thích chia sẻ kiến thức, Phim hài, Bóng đá, Cà phê sáng với bạn bè.

CSS là gì?

Giới thiệu framework Vue.js

0 Bình luận trong "Javascript là gì?"

Thêm bình luận