Ra mắt hai series mới cực hot Trí tuệ nhân tạo A đến ZPython công cụ không thể thiếu khi nghiên cứu Data science, Machine learning.

Lập trình hướng đối tượng trong PHP phần 4: Quản lý lỗi với Exception

Lỗi là một phần không thể thể thiếu trong cuộc sống, vấn đề là làm thế nào để nhận biết và tìm cách khắc phục lỗi? Trong lập trình ứng dụng cũng vậy, sẽ không thể tránh được lỗi, ngôn ngữ PHP cho phép các lỗi xảy ra, quản lý và khắc phục. Lập trình nói chung có hai dạng lỗi chính:

  • Các lỗi tác động từ bên ngoài: Lỗi này xảy ra khi các đoạn mã không lường trước được một nhánh trong lập trình hoặc một phần của chương trình hoạt động không như dự kiến. Ví dụ: một đoạn mã thực hiện ghi một bản ghi vào database, nó cần kết nối đến database thành công trong khi việc kết nối thực tế bị lỗi, đây là một lỗi bên ngoài.

  • Lỗi logic trong mã nguồn: Các lỗi này thông thường được gọi là bug, nó là các lỗi trong thiết kế logic hoặc đôi khi đơn giản chỉ là lỗi do đánh sai các từ khóa.

    Bạn cũng nên tham khảo lại phần 1 và 2 trong loạt bài viết về lập trình hướng đối tượng trong PHP là nền tảng cho kiến thức trong bài viết này.

  • Phần 1: Khái niệm Cơ bản về class và object.

  • Phần 2: Tính kế thừa trong OOP.

  • Phần 3: Đa dạng hóa trong kế thừa.

1. Xử lý lỗi kiểu thủ tục

Ngôn ngữ PHP đã xây dựng sẵn những tính năng quản lý lỗi với 3 cấp độ:

  • E_NOTICE
  • E_WARNING
  • E_ERROR

    E_NOTICE là một lỗi thứ yếu, không phải lỗi nghiêm trọng, nó giúp bạn nhận biết khả năng có các bug trong các đoạn mã. Về cơ bản, khi gặp lỗi E_NOTICE, đoạn mã có thể chạy nhưng cũng có thể không. Chúng ta cùng xem ví dụ về việc sử dụng một biến mà chưa được gán giá trị.

<?php
    $variable++;
?>

Ví dụ này sẽ tăng biến $variable thêm 1 và nó phát sinh lỗi E_NOTICE do biến này không được khởi tạo nên nó sẽ có giá trị mặc định là 0 hoặc false hoặc chuỗi rỗng. Để tránh lỗi này, chúng ta cần khởi tạo biến trước khi sử dụng.

<?php
    $variable = 0;
    $variable++;
?>

Mặc định, lỗi E_NOTICE được tắt do đó nếu chúng ta có thực hiện đoạn mã không gán giá trị thì cũng không có lỗi gì xảy ra.

E_WARNING là các lỗi không nghiêm trọng xảy ra trong quá trình ứng dụng chạy, chúng không làm dừng chương trình hoặc thay đổi luồng điều khiển nhưng chúng cảnh báo một vấn đề xấu đang xảy ra. Có rất nhiều các lỗi bên ngoài làm phát sinh E_WARNING, ví dụ như một lời gọi đến fopen().

E_ERROR là các lỗi không thể cứu chữa, nó làm ứng dụng dừng lại. Ví dụ chúng ta tạo một đối tượng từ một class không tồn tại, có thể do lỗi khi đánh sai tên class. PHP có hàm trigger_error() được sử dụng để cho phép người dùng sinh ra một lỗi trong đoạn mã, có 3 dạng lỗi có thể bung ra bởi người dùng với ý nghĩa giống như 3 cấp độ lỗi ở trên.

  • E_USER_NOTICE
  • E_USER_WARNING
  • E_USER_ERROR
while(!feof($fp)) {
  $line = fgets($fp);
  if(!parse_line($line)) {
    trigger_error('Incomprehensible data encountered', E_USER_NOTICE);
  }
}

Nếu không xác định mức độ lỗi thì E_USER_NOTICE được sử dụng. Trong phần tiếp theo chúng ta sẽ sử dụng các kỹ thuật để thay đổi luồng điều khiển trong mã nguồn, với các lỗi khác nhau chúng ta có các mã lỗi giúp biết được chính xác nơi phát sinh lỗi. Chúng ta xem xét một ví dụ sau:

<?php
function get_passwd_info($user) {
    $fp = fopen("/etc/passwd", "r");
    while(!feof($fp)) {
        $line = fgets($fp);
        $fields = explode(";", $line);
        if($user == $fields[0]) {
            return $fields;
        }
    }
    return false;
}
?>

hàm này được thiết kế để trả về chi tiết file passwd tương ứng với một người dùng. Đoạn code trên có hai bug, thứ nhất là một bug về logic trong mã nguồn và một lỗi về tài khoản có thể xảy ra. Khi chúng ta thực hiện ví dụ này, một mảng như sau được trả về:

<?php
    print_r(get_passwd_info('www'));
    // Array
    // (
    //     [0] => www:*:70:70:World Wide Web Server:/Library/WebServer:/noshell
    // )
?>

Bug đầu tiên là các trường trong file passwd được phân cách nhau bởi dấu : chứ không phải ; do đó đoạn code

$fields = explode(";", $line);

cần được thay thế bởi

$fields = explode(":", $line);

Lỗi thứ hai khó phát hiện hơn, khi bạn mở file passwd, sẽ có một lỗi E_WARNING nhưng luồng ứng dụng vẫn xử lý. Nếu một người dùng không có file passwd thì hàm sẽ trả về giá trị false. Tuy nhiên, nếu fopen lỗi, hàm cũng dừng và trả về giá trị false, điều này gây nên sự nhầm lẫn. Ví dụ đơn giản này cho thấy sự phức tạp trong việc quản lý lỗi với các ngôn ngữ thủ tục do không sử dụng Exception sẽ được giới thiệu trong phần tiếp theo. Tiếp tục với ví dụ này, chúng ta có thể thay đổi đoạn mã để định dạng lỗi trả về:

<?php
function get_passwd_info($user) {
    $fp = fopen("/etc/passwd", "r");
    if(!is_resource($fp)) {
        return "Error opening file";
    }
    while(!feof($fp)) {
        $line = fgets($fp);
        $fields = explode(":", $line);
        if($user == $fields[0]) {
            return $fields;
        }
    }
    return false;
}
?>

Với cách định dạng lỗi này, chúng ta khó để phân chia các lỗi xảy ra, do đó thay vì trả về một message lỗi chúng ta trả về các giá trị đặc biệt là các mã lỗi:

<?php
function get_passwd_info($user) {
    $fp = fopen("/etc/passwd", "r");
    if(!is_resource($fp)) {
        return -1;
    }
    while(!feof($fp)) {
        $line = fgets($fp);
        $fields = explode(":", $line);
        if($user == $fields[0]) {
            return $fields;
        }
    }
    return false;
}
?>

Như vậy, các lỗi xảy ra có thể được phân loại trong function gọi get_passwd_info():

<?php
function is_shelled_user($user) {
    $passwd_info = get_passwd_info($user);
    if(is_array($passwd_info) && $passwd_info[7] != '/bin/false') {
        return 1;
    }
    else if($passwd_info === -1) {
        return -1;
    }
    else {
        return 0;
    }
}
?>

Như vậy chúng ta hoàn toàn kiểm soát được toàn bộ lỗi có thể xảy ra khi thực hiện đoạn code:

<?php
    $v = is_shelled_user('www');
    if($v === 1) {
        echo "Your Web server user probably shouldn ’ t be shelled.\n";
    }
    else if($v === 0) {
        echo "Great!\n" ;
    }
    else {
        echo "An error occurred checking the user\n";
    }
?>

2. Exception

Exception là một giải pháp quản lý lỗi kiểu hướng đối tượng, nó là một class được xây dựng sẵn trong ngôn ngữ PHP. Một đối tượng Exception sẽ chứa các thông tin về nơi xảy ra lỗi (tên file, số dòng), message lỗi và một mã lỗi (tùy chọn). Sự khác biệt giữa các lỗi và Exception là ở cấu trúc, cả hai đều là biểu hiện của những vấn đề trong code. Thay vì sử dụng các lệnh điều kiện trong ngôn ngữ thủ tục để kiểm tra lỗi, lập trình hướng đối tượng sử dụng các cấu trúc try catch để quản lý các exception. Nếu một lỗi xảy ra, một exception sẽ được bung ra và code của chúng ta sẽ bắt lấy và thực hiện các công việc phù hợp với ngữ cảnh.

try {
  // Do something.
  // An exception is thrown on error.
} catch (exception) {
  // Do whatever now.
}

Một trong những lợi ích của quản lý exception là nó tách biệt chức năng và logic so với quản lý lỗi như trong phần 1, nhiều lỗi có thể được quản lý mà không cần các câu lệnh điều kiện lồng nhau. Để bắn ra một exception chúng ta có thể sử dụng cú pháp như sau:

throw new Exception('error message');

Cú pháp này sẽ bắn ra một đối tượng dạng Exception là một class được xây dựng sẵn trong PHP, để bắt được ngoại lệ này chúng ta sử dụng:

catch (Exception $e)

Lớp Exception có rất nhiều các phương thức chứa các thông tin về lỗi xảy ra, ví dụ dưới đây chúng ta bắt ngoại lệ và in ra message lỗi:

try {
  // Do something.
} catch (Exception $e) {
  echo $e->getMessage();
}

Các phương thức khác của Exception:

  • getCode(): trả về mã lỗi
  • getMessage(): trả về message lỗi.
  • getFile(): trả về tên file bị lỗi.
  • getLine(): trả về số dòng nơi xảy ra lỗi.
  • getTrace(): trả về thông tin truy vết lỗi là một mảng các tên file và số dòng.

    Phần tiếp theo này, chúng ta cùng thực hành một ví dụ để hiểu cách sử dụng Exception.

<?php
class WriteToFile {
    private $_fp = NULL;

    function __construct($file) {
        // Kiểm tra xem file có tồn tại và có phải là file không?
        if (!file_exists($file) || !is_file($file)) {
            throw new Exception('The file does not exist.');
        }

        // Mở file
        if (!$this->_fp = @fopen($file, 'w')) {
            throw new Exception('Could not open the file.');
        }
    }

    function write($data) {
        if (@!fwrite($this->_fp, $data . "\n")) {
            throw new Exception('Could not write to the file.');
        }
    }

    function close() {
        if ($this->_fp) {
            fclose($this->_fp);
            $this->_fp = NULL;
        }
    }

    function __destruct() {
        $this->close();
    }
}

Để sử dụng class này chúng ta tạo ra một page write_to_file.php như sau:

<!doctype html>
<html lang="en">
<head>
    <meta charset="utf-8">
    <title>Ví dụ về Exception - Allaravel.com</title>
    <link rel="stylesheet" href="style.css">
</head>
<body>
    <?php
    require('WriteToFile.php');
    try {
        // Tạo một đối tượng file để lưu dữ liệu
        $fp = new WriteToFile('data.txt');

        // Ghi vào file dữ liệu
        $fp->write('This is a line of data.');

        // Đóng file
        $fp->close();

        // Xóa đối tượng
        unset($fp);

        // Mọi việc hoàn thành, in ra một message
        echo '<p>Ghi dữ liệu vào file thành công.</p>';
    } catch (Exception $e) {
        // Nếu lỗi xảy ra, in ra màn hình message
        echo '<p>Quá trình xử lý file lỗi: ' . $e->getMessage() . '</p>';
    }
    ?>
</body>
</html>

truy cập http://oop.dev/write\_to\_file.php chúng ta sẽ nhận được lỗi như sau:

exception 1

Lỗi này là do file data.txt chưa tồn tại, bạn tạo ra một file data.txt trong cùng thư mục chứa file write_to_file.php. Khi đó thực hiện lại đường dẫn trên sẽ có kết quả là Ghi dữ liệu vào file thành công. Ví dụ trên chúng ta đã biết cách sử dụng Exception, tuy nhiên các message lỗi chúng ta hoàn toàn sử dụng của Exception được xây dựng sẵn trong PHP. Trong thực tế, các lỗi sẽ rất phức tạp và có những trường hợp Exception chưa quản lý được hết, vậy chúng ta cần có những class Exception riêng để xử lý. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra các lớp exception riêng được kế thừa từ lớp Exception.

class MyException extends Exception {

}

Chú ý, chỉ có phương thức khởi tạo __contruct() và __toString của Exception có thể ghi đè trong lớp kế thừa, còn lại các phương thức khác không thể ghi đè vì nó được định nghĩa là final. Trong code, chúng ta có thể bắn ra các exception mới tạo:

throw new MyException('error message');

Khi bắt các ngoại lệ, có thể sử dụng nhiều câu lệnh catch để bắt các Exception khác nhau:

try {
  // Some code.
  throw new MyException1('error message');
  // Some more code
  throw new MyException2('error message');
} catch (MyException1 $e) {
} catch (MyException2 $e) {
}

Quay trở lại với ví dụ sử dụng Exception ở trên, chúng ta tạo ra một class FileException mở rộng từ Exception và định nghĩa các message lỗi theo cách riêng vào trong file WriteToFile.php.

<?php
class FileException extends Exception {
    function getDetails() {
        // Trả về các message khác nhau dựa trên mã lỗi
        switch ($this->code) {
            case 0:
                return 'Tên file không được rỗng.';
                break;
            case 1:
                return 'File không tồn tại.';
                break;
            case 2:
                return 'Không phải dạng file.';
                break;
            case 3:
                return 'File không thể ghi dữ liệu.';
                break;
            case 4:
                return 'Mode ghi file không đúng.';
                break;
            case 5:
                return 'Dữ liệu không thể ghi vào file.';
                break;
            case 6:
                return 'File không thể đóng.';
                break;
            default:
                return 'Lỗi không xác định.';
                break;
        }
    }
}

class WriteToFile {
    private $_fp = NULL;
    private $_message = '';
    function __construct($file = null, $mode = 'w') {

        // Gán tên file và mode vào thuộc tính message
        $this->_message = "File: $file Mode: $mode";

        // Kiểm tra tên file có rỗng không
        if (empty($file)) throw new FileException($this->_message, 0);

        // Kiểm tra xem file có tồn tại hay không
        if (!file_exists($file)) throw new FileException($this->_message, 1);

        // Kiểm tra xem có phải là một file hay không
        if (!is_file($file)) throw new FileException($this->_message, 2);

        // Kiểm tra xem file có ghi dữ liệu vào được không         
        if (!is_writable($file)) throw new FileException($this->_message, 3);

        // Kiểm tra các mode mở file
        if (!in_array($mode, array('a', 'a+', 'w', 'w+'))) throw new FileException($this->_message, 4);

        // Mở file
        $this->_fp = fopen($file, $mode);
    }

    function write($data) {
        if (@!fwrite($this->_fp, $data . "\n")) throw new FileException($this->_message . " Data: $data", 5);
    } 

    function close() {
        if ($this->_fp) {
            if (@!fclose($this->_fp)) throw new FileException($this->_message, 6);
            $this->_fp = NULL;
        }
    }

    function __destruct() {
        $this->close();
    }
}

Điều chỉnh lại file write_to_file.php để sử dụng class FileException mới tạo ra và phương thức getDetails():

<!doctype html>
<html lang="en">
<head>
    <meta charset="utf-8">
    <title>Ví dụ về Exception - Allaravel.com</title>
    <link rel="stylesheet" href="style.css">
</head>
<body>
    <?php
    require('WriteToFile2.php');
    try {
        // Tạo một đối tượng file để lưu dữ liệu
        $fp = new WriteToFile('data.txt', 'w');

        // Ghi vào file dữ liệu
        $fp->write('This is a line of data.');

        // Đóng file
        $fp->close();

        // Xóa đối tượng
        unset($fp);

        // Mọi việc hoàn thành, in ra một message
        echo '<p>Ghi dữ liệu vào file thành công.</p>';
    } catch (FileException $e) {
        // Nếu lỗi xảy ra, in ra màn hình message
        echo '<p>Quá trình xử lý file lỗi: ' . $e->getDetails() . '</p>';
    }
    ?>
</body>
</html>

Như vậy các lỗi xảy ra đã được chúng ta quản lý theo cách riêng, ví dụ khi truy nhập vào http://oop.dev/write\_to\_file.php với file data.txt chưa tồn tại chúng ta sẽ nhận được message lỗi như sau:

customize exception

3. Lời kết

Qua bài viết chúng ta đã hoàn toàn quản lý được các lỗi xảy ra trong chương trình theo cách thủ tục hoặc sử dụng giải pháp hướng đối tượng Exception. Thiết kế và viết mã quản lý lỗi tốt giúp cho ứng dụng hoạt động trơn tru và mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng. Thay vì những thông báo lỗi thuần túy kỹ thuật, chúng ta nên đưa ra các thông báo lỗi dễ hiểu không gây hoang mang cho người sử dụng.


CÁC BÀI VIẾT KHÁC

FirebirD

Đam mê Toán học, Lập trình. Sở thích chia sẻ kiến thức, Phim hài, Bóng đá, Cà phê sáng với bạn bè.

Khái niệm Lambda và Closure trong PHP

Khác biệt trong xử lý dữ liệu form với Vuex

0 Bình luận trong "Lập trình hướng đối tượng trong PHP phần 4: Quản lý lỗi với Exception"

Thêm bình luận